Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 1
   Truy cập trong ngày : 2154
   Tổng số truy cập : 2740628
Phiên sáng cuối tuần 12/6: Khó khăn 6/12/2015 2:08:05 PM
Dù nhận được thông tin tích cực từ chính sách, nhưng do đang ở vùng kháng cứ quá mạnh, nên cả 2 chỉ số chính đang gặp chút kho khăn trong phiên giao dịch sáng nay.

Sau khi điều chỉnh tích lũy ở những phiên đầu tuần, thị trường đã bật tăng trở lại trong phiên hôm qua (11/6) với sự hỗ trợ đồng loạt của các nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng, dầu khí, chứng khoán hay bất động sản.

Không chỉ tích cực về mặt điểm số, thanh khoản cũng tăng cho thấy dòng tiền đang mạnh mẽ và tâm lý thị trường cũng rất hưng phấn.

Ngày hôm qua, UBCK đã công bố dự thảo Quy trình rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 xuống T+2 và dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 74 hướng dẫn giao dịch chứng khoán, trong đó cho phép nhà đầu tư giao dịch trong ngày.

Việc điều chỉnh giảm thời gian thanh toán sẽ giúp thanh khoản của thị trường được cải thiện đáng kể do vòng quay cổ phiếu, tiền sẽ được rút ngắn. Nhà đầu tư cũng sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí vốn cho các giao dịch margin, tận dụng được các cơ hội của thị trường trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế và những tiến triển theo chiều hướng tích cực liên quan đến việc nới room và TPP cũng đã hỗ trợ tốt cho tâm lý nhà đầu tư trong thời gian qua.

Dù đón nhận nhiều tín hiệu tích cực, nhưng nhiều CTCK cho rằng, thị trường sẽ không “thuận buồm xuôi gió” khi tiến đến mục tiêu 600 điểm, mà sẽ gặp nhiều rung lắc trước áp lực chốt lời mạnh luôn trực sẵn phía trước. Và điều này sẽ bắt đầu ngay từ phiên 12/6.

Bước vào phiên sáng 12/6, tiếp đà hưng phấn từ phiên trước, cả 2 chỉ số cùng khởi đầu trong sắc xanh nhẹ, hoạt động giao dịch vẫn khá mạnh nên thanh khoản tương đối tốt.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 1,49 điểm (+0,26%) lên 582,542 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 4,33 triệu đơn vị, giá trị 60,88 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, đà tăng được nới rộng, tuy nhiên, hiện VN-Index đang trong vùng kháng cự mạnh, nên chỉ số này không dễ dàng bứt phá, mà đang chịu rung lắc.

Phiên hôm qua, VN-Index vượt qua mốc 580 điểm với sự góp sức không nhỏ của các mã trụ như VCB, GAS, VNM, MSN, VIC. Trong phiên sáng nay, VCB đang lình xình quanh tham chiếu, MSN và VNM đang giảm điểm, trong đó VNM giảm khá mạnh 2.000 đồng, chỉ còn VIC và GAS là đang tăng điểm.

Trong khi các mã ngân hàng khác như MBB, BID, CTG và một số mã lớn như BVH, FPT, HAG, KDC... đang tăng điểm nhẹ, tạo lực đỡ cho chỉ số.

Đáng chú ý, nhóm chứng khoán đang vươn lên mạnh mẽ. AGR tăng trần ngay từ sớm và hiện đang dư mua trần khá lớn. HCM tăng mạnh 1.000 đồng, BSI tăng 200 đồng, SSI tăng 500 đồng và khớp được 2,2 triệu đơn vị.

Trong khi đó, dòng tiền tiếp tục tập trung tại nhóm bất động sản, nhưng đa phần nhóm này giữ sắc đỏ khi chịu áp lực chốt lời tương đối mạnh. DLG, FLC, CII đều giảm nhẹ, trong đó DLG có thanh khoản mạnh nhất với 2,5 triệu đơn vị được khớp. Ngược lại, DIG hiện đang tăng kịch trần và khớp 1,77 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, nhóm chứng khoán đang là nhóm dẫn dắt chỉ số khi đồng loạt tăng điểm. VND tăng mạnh 700 đồng và khớp 1,65 triệu đơn vị.

Cùng với đó, các mã dẫn dắt khác như SCR, VCG cũng đang tăng khá tốt, thanh khoản đều trên 1,6 triệu đơn vị.

Nhóm dầu khí và ngân hàng trên sàn này đang chịu sức ép nhẹ. SHB và ACB đứng tham chiếu. Nhóm dầu khí lớn chỉ còn PVB đang giữ mức tăng tối thiểu.

Thị trường tiếp tục diễn biến giằng co lình xình trên mốc tham chiếu cho đến hết phiên, khi mà cả bên mua và bên bán đều không còn mạnh dạn “xuống tay” như phiên trước. Các chỉ số theo đó đều giữ các mốc điểm quan trọng, trong khi thanh khoản giảm nhẹ.

Kết thúc phiên sáng, với 112 mã tăng và 85 mã giảm, VN-Index tăng 1,87 điểm (+0,32%) lên 582,92 điểm. Chỉ số VN30-Index tăng 1,85 điểm (+0,31%) lên 603,25điểm với 14 mã tăng và 7 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 77,73 triệu đơn vị, giá trị 1.312,83 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 6,1 triệu đơn vị, giá trị 164 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận hơn 4 triệu cổ phiếu FDC trị giá hơn 69 tỷ đồng và 0,6 triệu trái phiếu BID1_106 trị giá hơn 59 tỷ đồng.

Với 102 mã tăng và 65 mã giảm, HNX-Index tăng 0,42 điểm (+0,48%) lên 88,14 điểm. Chỉ số HNX30-Index tăng 1,22 điểm (+0,72%) lên 170,6 điểm với 15 mã tăng và 7 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 42 triệu đơn vị, giá trị 532,72 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chỉ hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 22 tỷ đồng.

Trên HOSE, cung cầu đã cân bằng hơn ở những thời điểm cuối phiên nên đà giảm ở một vài nhóm cổ phiếu cũng đã được thu hẹp.

Nhóm chứng khoán tiếp tục giữ vững đà tăng, nhưng thanh khoản tăng chậm hơn so với đầu phiên do bên bán đã găm hàng. SSI tăng 600 đồng lên 24.300 đồng/CP và khớp 3,6 triệu đơn vị. HCM tăng 1.000 đồng lên 35.100 đồng/CP. AGR tăng trần.

Trong nhóm ngân hàng, chỉ còn EBI giảm nhẹ 1 bước giá, VCB và STB về mốc tham chiếu, còn MBB, BID và CTG vẫn giữ nguyên sắc xanh. Chỉ có CTG đạt thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị.

GAS và PVD duy trì được đà tăng nhẹ để giữ nhịp cho nhóm dầu khí. PXS và PET cùng tăng nhẹ và đều khớp trên 1 triệu đơn vị.

Ở nhóm bất động sản, “anh cả” VIC giữ mức tăng mạnh 800 đồng lên 50.000 đồng/CP và khớp 1,4 triệu đơn vị. Một số mã cũng có được sắc xanh như ITA, CDO, HBC, HQC, LCG... thanh khoản cũng trên 1 triệu đơn vị.

Ngược lại DLG, FLC, CII, HHS... vẫn chìm trong sắc đỏ, trừ DLG dẫn đầu thanh khoản với hơn 6 triệu đơn vị được khớp, các mã khác đều có thanh khoản thấp hơn nhiều so với bình thường.

Riêng DIG đã không còn giữ được mức trần, chỉ còn tăng 700 đồng và khớp 2,6 triệu đơn vị. Trong khi những mã bất động sản thị giá nhỏ vẫn duy trì tốt sắc tím như ATA, CIG, DRH, PTL, UDC...

Trên HNX, nhóm chứng khoán tiếp tục đồng loạt tăng vững. VND, SHS, KLS, VIX là những mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. VND khớp được 2,2 triệu đơn vị.

Tương tự, các mã SCR, VCG cũng gia tăng điểm số, khớp lần lượt 1,8 triệu và 2,4 triệu đơn vị.

Áp lực bán ở nhóm dầu khí cũng được giảm bớt, nên chỉ còn PVG và PLC giảm nhẹ 1-2 bước giá. PVC tăng 400 đồng và khớp 1,3 triệu đơn vị. PVX đứng tham chiếu, khớp 2,2 triệu đơn vị.

KLF giữ được mức tăng tối thiểu cho đến hết phiên và khớp 2,6 triệu đơn vị, còn FIT lại giảm 400 đồng, khớp lệnh mạnh nhất HNX với 3,6 triệu đơn vị.

Hai mã API và SHN bị chốt lời mạnh nên lần lượt giảm 1.200 đồng và 1.400 đồng, đạt 1,8 triệu và 1,1 triệu đơn vị khớp lệnh.

Theo ĐTCK

Lên đầu trang