Cần phải điều chỉnh giảm
(CTCK BIDV - BSC)
Thị trường đã không giữ được đà tăng mạnh. Áp lực bán chốt lời khi VN-Index chạm ngưỡng kháng cự 600 điểm là nguyên nhân chính khiến VN-Index đóng cửa khá xa với mức giá cao nhất đạt được trong phiên. Nếu không nhờ lực cầu mạnh từ khối ngoại, VN-Index có lẽ đã đóng cửa trong sắc đỏ.
Mặc dù khối ngoại mua ròng mạnh tại nhiều mã vốn hóa lớn như BVH, VCB, VIC, STB, song độ rộng thị trường lại khá tiêu cực với 175 mã tăng/248 mã giảm trên cả 2 sàn.
Dòng tiền dường như chưa tham gia mạnh mẽ vào thị trường do điểm số tăng quá nhanh. Chính vì thế, sự điều chỉnh giảm là cần thiết để đưa mặt bằng giá về mức thấp hơn, lôi kéo dòng tiền mạnh mẽ hơn.
Nhà đầu tư chốt lời dần các cổ phiếu đã có lợi nhuận khá, đồng thời quan sát thêm thị trường, chưa vội vàng mở lại vị thế mua.
Vẫn có xu hướng tịnh tiến đến mốc 600
(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)
Trước diễn biến khá tiêu cực từ TTCK thế giới, nhà đầu tư đều lo ngại sẽ có sự ảnh hưởng nhất định tới TTCK Việt Nam bởi khối ngoại hiện đang tác động rất lớn. Tuy nhiên, lo ngại này lại không xảy ra, mà câu chuyện lại là đoạn cuối của phiên giao dịch.
Sự thay đổi đột ngột của thị trường khiến đà tăng giảm mạnh, hẳn nhiên sẽ tác động lớn tới tâm lý của nhà đầu tư. Liệu thị trường có điều chỉnh như lo ngại của nhà đầu tư hay không? Nhìn chung, thị trường có thể sẽ chịu ảnh hưởng bởi thế giới mà câu chuyện xoay quanh Hy Lạp.
Nhìn vào đồ thị của chỉ số VN-Index, cây nến tăng điểm phiên cuối tháng 6 không thực sự mỹ mãn, nhưng nó vẫn cho thấy đà tăng vẫn có thể tiếp tục duy trì, tuy nhiên sẽ không quá mạnh.
Ngược lại, thị trường cũng có thể chịu áp lực điều chỉnh thì mức độ cũng sẽ không quá lớn bởi phiên 30/6 đã “ứng” một phần. Nhìn chung, thị trường vẫn có xu hướng tịnh tiến đến mốc 600 điểm mặc dù dầy chông gai. Có thể những lo ngại vẫn khiến cho dòng tiền vào – ra luân chuyển với tốc độ nhanh nhưng đó lại là một sự bình vững.
Thanh khoản đang có dấu hiệu suy yếu
(CTCK FPT - FPTS)
Có thể thấy sự phân hóa đang diễn ra rất mạnh trên thị trường trong các phiên gần đây. Chỉ số tăng nhưng không phản ánh thực chất diễn biến điều chỉnh của thị trường.
Có thể thấy rõ sự suy yếu đang tiếp tục mở rộng sang các nhóm cổ phiếu đang có sự thu hút dòng tiền, điển hình là nhóm chứng khoán trong phiên 30/6. Trong khi đó các nhóm cổ phiếu khác vẫn đang tiếp tục chuỗi điều chỉnh mạnh của mình và bắt đầu xuất hiện nhưng khoảng giá hấp dẫn.
Như đã chú ý, sự hồi phục của chỉ số sẽ không bền vững nếu như sự luân chuyển của dòng tiền sang các nhóm cổ phiếu khác không được tái diễn trong các phiên tới. Do đó, hành động giảm tỷ trọng dần đối với các nhóm cổ phiếu đang có sự hội tụ chặt chẽ của dòng tiền là cần thiết, đặc biệt là khi thanh khoản thị trường đang có dấu hiệu suy yếu.
Theo kịch bản thị trường sẽ tiếp tục tích lũy, nhóm cổ phiếu có thông tin tích cực về kết quả kinh doanh quý II sẽ là trọng điểm của hoạt động cơ cấu danh mục sắp tới.
Không mua đuổi các mã Bluechips đã tăng giá
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Phiên điều chỉnh trong ngày cuối cùng của tháng diễn ra rõ ràng hơn về mặt điểm số. Đà tăng của hai chỉ số không còn được giữ vững do áp lực bán lan rộng về cuối phiên, khiến nhiều mã trụ cũng không còn duy trì được đà tăng mạnh. Điểm tích cực là dòng vốn chưa có dấu hiệu suy yếu, giá trị giao dịch tăng vọt lên trên 3.000 tỷ đồng trên 2 sàn.
Như thường lệ, khối ngoại đẩy mạnh mua vào trong các phiên cuối quý do nhiều quỹ nước ngoài tiến hành mua đẩy giá chốt NAV cuối kỳ. Tuy vậy, điều này cũng cho thấy áp lực bán chốt lời của khối nội đang tiếp tục mạnh dần lên, khiến ngay cả những mã được khối ngoại mua mạnh nhất trong phiên cũng đồng loạt suy yếu về cuối phiên.
Trong một diễn biến khác liên quan tới tình hình Hy Lạp, Thủ tướng Hy Lạp ngày 29/6 đã tuyên bố nước này sẽ không trả tiền cho IMF và ngày 30/6, làn sóng rút tiền ồ ạt của người dân Hy Lạp cũng đang diễn ra do lo sợ về khoản nợ 240 tỷ Euro của nước này đem tới khả năng Hy Lạp sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ và ra khỏi khu vực đồng Euro. Thủ tướng Hy Lạp cũng tỏ ra không hợp tác với yêu cầu mới được đưa ra của Chủ tịch EC trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ.
Diễn biến xấu của Hy Lạp sẽ tác động tiêu cực trực tiếp tới diễn biến tâm lý của dòng vốn khối ngoại trong thời gian tới, mặc dù khối này có chuỗi mua ròng tích cực liên tiếp trong các phiên vừa qua. Nhà đầu tư không nên tiến hành mua đuổi các mã Bluechips đã tăng khá trong các phiên gần đây, hạn chế sử dụng đòn bẩy và giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn.
Xuất hiện tín hiệu điều chỉnh
(CTCK Maritime Bank – MSBS)
Thị trường tiếp tục có phiên tăng điểm thứ 2, chỉ số VN-Index có lúc đã tiến gần ngưỡng kháng cự quan trọng 600 điểm, tuy nhiên do áp lực chốt lời mạnh ở một số mã Bluechip khiến VN-Index đóng cửa chỉ tăng nhẹ 1,3 điểm, dừng ở 593,05 điểm.
Dòng tiền vẫn chỉ quanh quẩn ở một số cổ phiếu Bluechips và nhóm cổ phiếu cơ bản tốt, nhóm cổ phiếu liên quan đến thông tin nới room.
Chúng tôi cho rằng phiên 1/7, thị trường sẽ xuất hiện tín hiệu điều chỉnh và kết phiên sẽ giảm điểm. Do thị trường vẫn đang tiếp tục phân hóa ở một số cổ phiếu, các nhà đầu tư nên ưu tiên giữ những cổ phiếu cơ bản tốt nhất và không giao dịch ở các cổ phiếu đầu cơ.
Giảm tỷ trọng về mức an toàn
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Với động thái mua ròng mạnh của khối ngoại trong phiên 30/6, nhiều nhà đầu tư đang đề cập đến khả năng khối ngoại chủ yếu mua bluechips nhằm “làm đẹp” NAV của quỹ cho thời điểm cuối quý II.
Chúng tôi cho rằng, câu trả lời cho việc khối ngoại mua nhằm đỡ giá hay mua giải ngân mới sẽ có trong phiên ngày 1/7. Nhà đầu tư được khuyến nghị giảm tỷ trọng về mức an toàn trước khi những thông tin xoay quanh việc Hy Lạp vỡ nợ được làm sáng tỏ.
N.Tùng
Theo ĐTCK