VN-Index không tăng mạnh nhưng ổn định sau đợt bán mạnh hôm qua.
VN-Index chốt sáng nay tăng nhẹ trở lại 0,19% và VN30-Index tăng 0,12%. HNX-Index chỉ tăng 0,2% nhưng HNX30-Index tăng 0,48%. Tại HSX, VN30 là chỉ số duy nhất theo nhóm ngành tăng điểm, các chỉ số của nhóm vừa và nhỏ đều giảm.
Sự cân bằng của thị trường lại đến trước hết ở nhóm cổ phiếu lớn. Độ rộng của VN30 ghi nhận 10 mã tăng/12 mã giảm, nhưng chưa tính GAS, CTG. Hai cổ phiếu này tăng tương ứng 0,76% và 0,55%.
Giá tăng xuất hiện ở hầu hết những cổ phiếu vốn hóa nổi bật còn lại như VIC tăng 0,21%, SSI tăng 0,48%, PVD tăng 2,78%, PPC tăng 0,84%, MSN tăng 0,62%, HSG tăng 0,54%, HAG tăng 0,49%, DPM tăng 0,66%. Ngược lại số giảm chỉ có ít mã ảnh hưởng lớn như DRC, FPT, GMD, KDC.
Rổ HNX30 cũng đạt độ rộng tốt với 15 mã tăng/10 mã giảm. Tuy không có phân bổ biến động giá theo nhóm ngành một cách cụ thể, nhưng những mã vốn hóa cao nhất đều tăng: SHB tăng 1,18%, PVS tăng 1,15%, PVG tăng 1,18%, PVB tăng 3,51%, VND tăng 0,91%, KLS tăng 1,08%, PGS tăng 1,01%.
Có thể thấy mức độ ổn định ở nhóm vốn hóa lớn đã làm giảm nhịp độ bán ra trên toàn thị trường, mặc dù các cổ phiếu vốn hóa nhỏ vẫn chưa tìm được sự cân bằng. Hầu hết những mã giảm mạnh nhất sáng nay đều nằm ở nhóm này.
Nếu nhìn vào các chỉ số chính, thị trường vẫn đang lấy lại sự phục hồi ban đầu khá chậm chạp. Tuy thế so với phiên hôm qua, rõ ràng là thị trường đã có sự thay đổi. Đầu tiên là các blue-chips giữ nhịp, tiếp đến là độ rộng chung khá tích cực: HSX ghi nhận 92 mã tăng/84 mã giảm, HNX ghi nhận 79 mã tăng/87 mã giảm. Tỷ lệ tăng/giảm sáng nay là 1:1 trong khi đóng cửa hôm qua còn là 0,6:1.
Ngoài ra thanh khoản cũng đã có sự cải thiện nhẹ. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn phiên sáng đạt 943,1 tỷ đồng, tăng gần 18% so với sáng hôm qua. Dòng vốn ngoại mua vào sáng nay giảm, đồng nghĩa với nhà đầu tư trong nước đẩy thanh khoản lên.
Tổng giá trị mua vào của nhà đầu tư nước ngoài tại HSX là 109,9 tỷ đồng, giảm 23% so với sáng hôm qua. Tuy nhiên khối ngoại lại đổ tiền tiền hơn vào rổ VN30. Rổ này được mua 78,6 tỷ đồng, tăng 26% với sự nổi bật của PVD, VIC và VCB.
PVD được mua đặc biệt mạnh với hơn 40 tỷ đồng giá trị cổ phiếu. Sáng hôm qua, PVD chỉ được mua chưa tới 17 tỷ. Vốn ngoại vào mạnh đã đẩy giá PVD tăng 2,78%, mạnh nhất trong số các blue-chips.
Theo VnEconomy