Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 2
   Truy cập trong ngày : 538
   Tổng số truy cập : 2739012
Lần đầu tiên EU rót vốn ODA vào năng lượng 4/25/2015 1:37:49 PM
Phát triển năng lượng của Việt Nam đang đi đúng hướng, nhưng đây là lĩnh vực phức tạp, cần nhiều nguồn lực hơn nữa để phát triển thị trường năng lượng, ông Jos Jonckers - Chuyên gia đến từ Ủy ban Châu Âu (EC) nhận xét.

Liên minh châu Âu (EU) chính thức giải ngân khoản vay không hoàn lại 400 triệu Euro, trong đó dành 360 triệu cho phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam giai đoạn 2014-2020.

Tăng cường các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng hòa những nguồn cung cấp điện, một trong ba ưu tiên hỗ trợ của EU tại Việt Nam. Ảnh: businessgreen.

Ông Jos Jonckers khẳng định, đây là lần đầu tiên EU dành nguồn vốn hỗ trợ phát triển cho lĩnh vực kinh tế, trong đó nhấn mạnh vấn đề năng lượng thay vì giáo dục và y tế như trước đây.

Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, cho nên EU chỉ hỗ trợ những lĩnh vực mang tính chất hợp tác phát triển, với 3 ưu tiên: Sử dụng năng lượng hiệu quả, tăng cường các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng hòa những nguồn cung cấp điện và người dân tiếp cận được với nguồn năng lượng sạch.

Việt Nam đang là nước xuất khẩu năng lượng. Nhưng theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, trong tương lai gần sẽ trở thành nước nhập khẩu năng lượng, với dự kiến nhập khẩu 17 triệu tấn than, chiếm 31% nhu cầu than cho phát điện vào năm 2020.

Chính phủ đang đẩy mạnh các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhằm đảm bảo cam kết từ nay đến năm 2020 sẽ đáp ứng đủ nhu cầu điện cho việc phát triển kinh tế xã hội.

Việt Nam cũng đang triển khai thực hiện và đàm phán khoảng 20 dự án điện theo hình thức BOT (đầu tư, kinh doanh và chuyển giao) với tổng vốn đầu tư lên đến 40 tỉ USD Mỹ và đã có ba dự án được đưa vào vận hành.

Thứ trưởng Vượng cho rằng, các khoản đầu tư lớn, cải cách thị trường là cần thiết để đáp ứng các nhu cầu năng lượng trong tương lai, đảm bảo việc tiếp cận cho mọi đối tượng ở mức giá phải chăng, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Ông Jos Jonckers nhận định, phát triển năng lượng của Việt Nam đang đi đúng hướng. Chính phủ Việt Nam cũng đã có chính sách và dành ngân sách khá lớn để cung cấp điện đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Chính phủ cũng đã có những cải cách trong lĩnh vực năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và rút ngắn khoảng cách giữa các hộ sử dụng điện.

Ngoài ra, Chính phủ cũng có chính sách thu hút đầu tư, trong đó có đầu tư tư nhân. Trong lĩnh vực năng lượng, vai trò của khu vực tư nhân ngày càng tăng.

Thực tế, các chính sách về năng lượng phụ thuộc vào sự tự do hóa thị trường của các chính phủ. Ông Jos Jonckers cho rằng: “Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách khuyến khích hấp dẫn, nhằm thu hút được đầu tư của khu vực tư nhân”.

Tại châu Âu, ông Jos Jonckers cho biết, EU cũng đang tính đến việc thành lập liên minh năng lượng để có một thị trường năng lượng thống nhất đồng thời đối thoại để xây dựng niềm tin lẫn nhau.

“Phía EU có thể chia sẻ với Việt Nam những giải pháp hiệu quả. Chúng tôi hi vọng đưa thêm giá trị gia tăng vào thị trường năng lượng của Việt Nam”, ông Jos Jonckers nói.

Trong hợp tác phát triển, EU cùng các quốc gia thành viên của mình đã trở thành nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam.

Ông Franz Jessen, Đại sứ EU tại Việt Nam, EU hướng tới vấn đề đối thoại ngành trực tiếp để có thể chia sẻ những giải pháp cũng như kinh nghiệm sử dụng công cụ đòn bẩy trong việc kết hợp các khoản tài trợ với các khoản cho vay.

Khẳng định sự hơp tác chặt chẽ với Chính phủ và Bộ Công thương Việt Nam về lĩnh vực năng lượng, song Đại sứ Franz Jessen cho rằng, việc đối thoại với Chính phủ và các cấp bộ, ngành, địa phương của Việt Nam là vô cùng quan trọng, đảm bảo sự thành công trong phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam.

Liên minh châu Âu đã tái khẳng định cam kết của mình trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Việt Nam trên nhiều phương diện, là nguồn đầu tư nước ngoài, nguồn tri thức và kỹ thuật chủ chốt của Việt Nam.

EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội. Theo Đại sứ EU, việc tăng đáng kể khoản viện trợ không hoàn lại, từ 300 lên 400 triệu euro trong giai đoạn 2014-2020 dành cho Việt Nam là minh chứng rõ ràng cho những cam kết đó.

Hải Vân

NĂNG LƯỢNG

Lên đầu trang