Tổng hợp của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, dòng vốn vào bất động sản, xây dựng của các nhà đầu tư Nhật Bản đã tăng mạnh trong mấy năm gần đây. Cụ thể, năm 2013 có 12 dự án của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực này (tổng vốn đầu tư 24 triệu USD), năm 2014 có 20 dự án (200 triệu USD).
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành JETRO TP.HCM cho biết, bất động sản đang là mối quan tâm mới của các nhà đầu tư Nhật Bản. Ngoài việc số dự án tăng lên rõ rệt, thì quy mô vốn đầu tư cho một dự án cũng tăng đáng kể.
Cũng theo ông Hirotaka Yasuzumi, xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật đã có sự thay đổi, thay vì tự mình đầu tư dự án, thì gần đây, họ hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để thực hiện dự án hoặc mua lại dự án để tiếp tục triển khai.
Trong lĩnh vực bất động sản, cho đến nay, đình đám nhất tại khu vực phía Nam có thể kể đến Dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương. Đây là dự án hợp tác giữa Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) với Becamex IDC, với vốn đầu tư lên đến 1,2 tỷ USD. Dự án được xây dựng trên diện tích gần 10.000 m2. Sau 3 năm triển khai dự án, mới đây, dự án thành phần đầu tiên tại đây là SORA Gardens I (gồm hai tòa tháp cao 24 tầng) đã hoàn thành. Chủ đầu tư đang triển khai xây dựng nhà ở riêng lẻ thấp tầng, các dự án nhà phố và villa và dự kiến sẽ đưa sản phẩm ra thị trường trong năm tới.
Mới đây, Công ty Toshin Development (thành viên của Tập đoàn Takashimaya, Nhật Bản) đã đề xuất với TP.HCM để đầu tư xây dựng một trung tâm thương mại ngầm tại khu vực chợ Bến Thành, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 6.000 tỷ đồng. Theo đề xuất này, toàn bộ trung tâm thương mại ngầm được chia thành khu vực công cộng và thương mại. Theo tính toán ban đầu, tổng vốn đầu tư của dự án ước tính là 6.374 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng từ năm 2023...
Trước đó, cũng chính doanh nghiệp này đã hợp tác với Keppel Land để phát triển giai đoạn II của Dự án Saigon Center. Dự án này đang trong quá trình hoàn thiện trung tâm thương mại và dự kiến chính thức đưa vào hoạt động trong năm 2016.
Ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam cũng cho biết, trước đây, doanh nghiệp Nhật Bản không mấy quan tâm đến bất động sản, nhưng gần đây, họ đã nhận ra sự hấp dẫn của thị trường bất động sản. Trong khi đó, việc Việt Nam cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở cũng là động lực để các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm hơn đến thị trường này.
Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm là, cơ hội nào cho nhà đầu tư Nhật Bản, khi các vị trí đắc địa đã được các nhà đầu tư khác đến từ Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông… nhanh chân chiếm lĩnh.
Đây đúng là một thách thức đối với các nhà đầu tư Nhật Bản. Tuy nhiên, với xu hướng mua bán - sáp nhập (M&A) trên thị trường bất động sản khá sôi động như hiện nay thì cơ hội vẫn đang mở ra đối với nhà đầu tư Nhật Bản.
Thực tế, trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã chọn cách hợp tác với doanh nghiệp địa ốc của Việt Nam để tiếp cận thị trường còn nhiều tiềm năng này. Đơn cử, Creed Group, một quỹ đầu tư của Nhật Bản, đã quyết định rót 600 tỷ đồng vào thị trường bất động sản ở Việt Nam từ năm 2014 thông qua hợp tác với Công ty Năm Bảy Bảy để triển khai Dự án City Gate Towers tại quận 8, TP.HCM.
Gần đây, quỹ đầu tư này đã tiếp tục ký thỏa thuận nguyên tắc tham gia phát triển 2 dự án khác của Năm Bảy Bảy, với tỷ lệ góp vốn là 50%...
Theo lý giải của đại diện Creed Group, tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn rất lớn. Hiện nay, giá trị bất động sản đã tăng sau một thời gian ngưng trệ, thị trường đã có những chuyển biến tích cực. Đó chính là cơ hội cho các nhà đầu tư đến sau.
Theo Hồng Sơn
baodautu.vn