Phiên cuối tuần, đà tăng của thị trường được mở rộng và VN-Index đã vượt ngưỡng 600 điểm thành công sau khi gặp rất nhiều khó khăn trong tuần. Trong tuần tới, diễn biến của thị trường sẽ đi theo xu hướng nào, theo các ông?
Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó giám đốc CTCK Seabank
Tuần qua, thị trường đã chứng kiến sự hoạt động trở lại của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Nhóm này đóng vai trò thay nhau giữ nhịp thị trường giúp thị trường tránh nhịp sụt giảm sâu. Kết thúc tuần, VN-Index chính thức chinh phục được ngưỡng 600 điểm sau hơn 2 tuần giằng co.
Khối ngoại đã trở lại mua ròng trong tuần qua giúp cho tâm lý thị trường phần nào tích cực trở lại. Ngoài ra, trong tuần qua, thị trường đón nhận thông tin SCIC sẽ thoái vốn khỏi các doanh nghiệp lớn như VNM, FPT… Thông tin này đã giúp nhóm cổ phiếu trên giao dịch sôi động hơn và có nhịp tăng ngắn hạn.
Điểm tích cực ở tuần vừa qua là thanh khoản vẫn trên mức trung bình của 20 phiên ở những phiên tăng điểm và dòng tiền vẫn đang luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, chưa có tín hiệu rút ra khỏi thị trường.
Ông Nguyễn Vũ Phong
Ngoài ra, các chỉ báo kỹ thuật cũng cho tín hiệu tích cực hơn trong phiên cuối tuần qua. Do đó, trong đầu tuần tới, VN-Index sẽ test lại vùng hỗ trợ 600 điểm và nhóm vốn hóa lớn sẽ thu hút dòng tiền nhờ thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh quý III.
Dòng tiền sẽ vận động đến nhóm có thông tin hỗ trợ. Tuy vậy, ở giai đoạn này, thị trường khó mà bứt phá mạnh do không có nhiều thông tin hỗ trợ, trong bối cảnh khả năng Fed sẽ sớm đưa ra quyết định tăng lãi suất trong thời gian tới, giá dầu đang ở vùng thấp và chưa có tín hiệu phục hồi ngay...
Do đó, theo quan điểm của tôi, trong đầu tuần tới, VN-Index sẽ có những phiên giằng co mạnh tại vùng 600 điểm với áp lực bán ra sẽ rất lớn. Tuy nhiên, khả năng điều chỉnh sâu là không lớn, và thị trường sớm tăng trở lại nhưng đà tăng của thị trường sẽ chậm, chủ yếu là dòng tiền sẽ luân chuyển giúp thị trường giữ được nhịp tăng, mục tiêu ngắn hạn của VN-Index là vùng 615 điểm.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK Maritime (MSI)
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật thì dải kháng cự mạnh của VN-Index giao động ở ngưỡng 600 - 610 điểm. Thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn và khó có thể vượt qua ngay mốc này khi mà thanh khoản toàn thị trường chung chưa xảy ra hiện tượng tăng vọt.
Mặc dù dòng tiền đang tiếp tục phân hóa, các cổ phiếu cơ bản vẫn đang thu hút một lượng tiền nhất, thì khả năng VN-Index sẽ tiếp tục tăng lên vùng 610 điểm ở tuần tới. Các phiên đầu tuần có thể là các phiên tăng điểm khi VN-Index tăng chạm 610 và sau đó sẽ điều chỉnh - Nhà đầu tư sẽ nên cẩn trọng ở đoạn điều chỉnh tới của thị trường.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược CTCK MB (MBS)
Thị trường đã trải qua giai đoạn tích lũy sideway hẹp 590-595 với thanh khoản duy trì tốt trong hai tuần gần đây cho thấy, vùng hỗ trợ 590 điểm đã tạo một mặt bằng khá vững chắc cho thị trường trong ngắn hạn. Với phiên tăng điểm bứt phá 6,66 điểm(+1,12%) vào phiên cuối tuần, VN-Index đã chính thức cán đích thành công vùng kháng cự mạnh 600 điểm khi dừng ở mức 601,74 điểm.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng trở lại thị trường với tín hiệu tăng dần đều về cuối tuần vừa qua với giá trị mua ròng 110,23 tỷ đồng. Cùng với tín hiệu tăng giá khá tốt của VNM ETF, tôi tin tưởng rằng, dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ thị trường tích cực trong thời gian tới cùng với đó là thông tin kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp cũng khá lạc quan.
Với diễn biến tích cực này, tôi cho rằng, xu hướng tăng điểm sẽ tiếp tục tiếp diễn và xu hướng thị trường tuần tới khả năng VN-Index sẽ tiếp tục tiệm cận các vùng kháng cự cao hơn như 610 – 615 điểm. Tôi tin tưởng rằng, xu hướng thị trường trong thời gian tới vẫn là sideway up với thanh khoản khả năng sẽ tăng dần đều.
Sự bật lên của thị trường ở phiên cuối tuần có ghi nhận sự đóng góp của nhóm bluechips, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản... Liệu nhóm này có duy trì được “phong độ” trong tuần tới?
Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó giám đốc CTCK Seabank
Theo tôi, trong tuần tới, nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản sẽ được dòng tiền quan tâm khi nhóm này vẫn đang trong trạng thái tích lũy và dự báo kết quả kinh doanh nhóm này sẽ khả quan trong 2 tháng cuối năm. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu nằm trong danh sách thoái vốn của SCIC cũng sẽ được chú ý.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK Maritime (MSI)
Tôi cho rằng, các nhóm cổ phiếu có diễn biến giao dịch tốt tuần qua chỉ có thể duy trì đà tăng ở 1 - 2 phiên đầu tuần trước khi điều chỉnh và có những mã cổ phiếu sẽ điều chỉnh rất mạnh.
Các mã cổ phiếu riêng lẻ cũng sẽ diễn biến đồng pha với VN-Index mà khi VN-Index điều chỉnh thì từng mã sẽ có điều chỉnh tương ứng.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược CTCK MB (MBS)
Nhiều cổ phiếu lớn trong các ngành ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản như BID, CTG, VCB, BVH, VIC tăng giá giúp VN-Index nhanh chóng vượt qua ngưỡng kháng cự 600 điểm trong phiên cuối tuần. Đặc biệt, VIC được khối ngoại mua ròng 61,88 tỷ đồng và tăng mạnh 4,5% với khối lượng giao dịch 3,2 triệu cổ phiếu. Ngoài mã VIC được mua ròng 61,88 tỷ, họ còn mua vào nhiều các mã như SSI (+10,2 tỷ), PVD (+9,2 tỷ)…
Tôi cho rằng, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đặc biệt là bất động sản, ngân hàng và bảo hiểm là nhóm sẽ thay phiên nhau dẫn dắt thị trường trong thời gian tới.
Ông Trần Hoàng Sơn
Với tín hiệu tăng giá khá mạnh của nhóm bất động sản trong tuần qua điển hình như VIC, SJS, DXG, DIG…tôi kỳ vọng rằng, nhóm cổ phiếu này sẽ là nhóm dẫn sóng trong tuần tới. Ngoài ra, các cổ phiếu nhóm ngành ô tô (SVC, HAX, HTL, TMT…), cảng biển và logistic (VSC, DVP, GMD…), nhóm ngành nhựa (BMP, VKC, RDP, NTP…), viễn thông và công nghệ thông tin (ITD, ELC, CMG…), khu công nghiệp (KBC, ITA…) sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền thị trường trong tuần tới.
Thông tin SCIC thoái vốn khỏi một số doanh nghiệp niêm yết lớn đã tác động khá mạnh đến các mã này và thị trường. Tuy nhiên, cũng có một thông tin đáng chú ý nữa là theo quy định, chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là hạn cuối các doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện thoái vốn khỏi ngân hàng. Điều này có tác động nhiều đến nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng và thị trường nói chung không, thưa các ông?
Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó giám đốc CTCK Seabank
Việc thoái vốn của SCIC khỏi các doanh nghiệp tốt như VNM, FPT... trong bối cảnh hầu như hàng hóa hiện tại không hấp dẫn để nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, đã mở ra cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận nhiều hơn với những cổ phiếu bluechips. Nới room sẽ là động lực lớn giúp TTCK tăng trưởng.
Đối với trường hợp các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn khỏi các ngân hàng thương mại, tới thời hạn 31/12/2015, có quy định, các trường hợp doanh nghiệp nhà nước sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên tại ngân hàng thương mại, thì có thể được chuyển nhượng cổ phần cho NHNN hoặc cho các ngân hàng thương mại nhà nước (do Nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ gồm: Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV và MHB) theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với các trường hợp doanh nghiệp nhà nước sở hữu dưới 5% vốn điều lệ tại ngân hàng thương mại, thì được phép bán cổ phần lần lượt theo 4 cách thức sau giao dịch khớp lệnh trên sàn giao dịch chứng khoán hoặc sàn UPCoM; giao dịch thỏa thuận qua 2 sàn này; bán đấu giá công khai; và bán theo thỏa thuận.
Trường hợp doanh nghiệp nhà nước bán cổ phần theo 4 cách trên không thành công hoặc bán không hết số cổ phần, thì vẫn còn 3 cách thức bán khác. Đó là bán cho NHNN hoặc cho các ngân hàng thương mại nhà nước và cuối cùng có thể bán cho SCIC. Trong đó, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phiếu thuộc diện thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước đều là những ngân hàng chưa niêm yết. Do đó, tác động cung hàng cho thị trường niêm yết là không đáng kể và sẽ không ảnh hưởng đến xu hướng thị trường nhiều.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK Maritime (MSI)
Những cổ phiếu trong danh mục thoái vốn của SCIC lại là những mã thu hút dòng tiền trong 2 tuần trở lại đây. Qua phân tích diễn biến thị trường, thì dường nhưng các nhà đầu tư cũng quan tâm những cổ phiếu này khi mà các cổ phiếu có lực cầu khá tốt.
Ông Lê Đức Khánh
Việc thoái vốn ở các doanh nghiệp niêm yết lớn dường như sẽ dễ dàng hơn so với việc thoái vốn ở các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, tôi cho rằng, điều này cũng sẽ không gây ra tác động lớn đến thị trường, ít nhất là trong ngắn hạn. Thị trường tăng sẽ có điều chỉnh đi xuống, rồi sẽ lại quay lại xu hướng uptrend mà nó đang diễn ra hiện nay.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược CTCK MB (MBS)
Theo quan điểm của tôi, việc SCIC thoái vốn mang tính hỗ trợ về mặt thông tin nhiều hơn trong khi các cổ phiếu nằm trong danh sách thoái vốn như BMP, VNM, FPT…cũng đã có các phiên tăng giá khá mạnh sau thông tin này.
Việc thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước tại các ngân hàng thương mại khả năng sẽ khó hoàn tất trong năm 2015. Tuy nhiên, thông thường, những trường hợp được thoái vốn nhà nước thường được thị trường quan tâm và đánh giá khá tích cực.
Hải Vân
Theo Tinnhanhchungkhoan