So với phiên sáng, giao dịch có phần sôi động hơn với sự cải thiện về thanh khoản. Đặc biệt, cùng với sự hỗ trợ của nhóm dầu khí, sự trở lại của một vài cổ phiếu nhóm ngân hàng đã giúp VN-Index thu hẹp khoảng giảm. Tuy nhiên, ảnh hưởng bởi đà giảm của 2 mã vốn hóa lớn nhất thị trường là VNM và VCB, chỉ số sàn này vẫn không vượt qua được tham chiếu.
Trong khi đó, trên HNX, do ít chịu áp lực hơn, lại được hỗ trợ bởi đà tăng của PVS, PVG, ACB, VCG, may mắn tăng nhẹ trước khi thị trường đóng cửa.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,48 điểm (-0,08%) xuống 572,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 107,8 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1.876,17 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường đã khá cân bằng so với phiên sáng với 109 mã giảm trên 95 mã tăng. Trong nhóm VN30 cũng có 10 mã tăng, 15 mã giảm và 5 mã đứng giá. Điều này giúp chỉ số này chỉ còn giảm 1,55 điểm (-0,26%) xuống 591,23 điểm.
Trên HNX, chỉ số HNX-Index tăng 0,12 điểm (+0,15%) lên 78,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,75 triệu đơn vị, trị giá 378,18 tỷ đồng.
Với 11 mã giảm, 11 mã tăng và 8 mã đứng giá, chỉ số HNX30-Index tăng 0,55 điểm (+0,38%) lên 146,95 điểm.
Tính chung, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt khoảng 2.250 tỷ đồng, trong đó có sự đóng góp của tới gần 520 tỷ đồng từ giao dịch thỏa thuận. Phần lớn trong số thỏa thuận này là giao dịch của BCI tới gần 17,7 triệu cổ phiếu (chiếm gần 20% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành của mã này), trị giá 377,5 tỷ đồng.
Điểm đáng chú ý nữa là, mặc dù dòng tiền chung đang có dấu hiệu suy yếu sau đợt cơ cấu danh mục của các quỹ ETF, nhưng thanh khoản của nhóm cổ phiếu bất động sản đang cho thấy những tín hiệu tích cực và có được mức tăng khá tốt. Đặc biệt là mã S99 trên HNX. Trong phiên hôm nay, mã này tăng trần với 3,56 triệu cổ phiếu được trao tay, trong khi vẫn còn dư bán trần gần 30.000 đơn vị.
Một số điểm sáng trong nhóm này như CEO; VCG; CII, DIG…
Quay trở lại với diễn biến phiên giao dịch, bên cạnh GAS nới rộng đà tăng, việc giá dầu thế giới có xu hướng tăng trở lại hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu này. PVD cũng tăng 400 đồng;
Ở nhóm ngân hàng, ngoài EIB quay về tham chiếu, MBB và CTG đã tăng trở lại với mức tăng tương ứng 100 và 200 đồng. Thời gian gần đây, MBB nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư khi còn mức định giá khá thấp so với mặt bằng chung của nhóm, nhất là khi MBB có khả năng sẽ hở room ngoại nếu phát hành tăng vốn cho NĐT nội.
Ngoài ra, đà tăng từ BVH, GMD, DPM, HVG… cũng giúp thị trường không bị rơi sâu.
Ở chiều ngược lại, JVC vẫn ở mức sàn, nhưng thanh khoản không cải thiện so với phiên sáng, khi cung cầu không gặp nhau về giá.
T. Huyền
Theo Tinnhanhchungkhoan